Ảnh hưởng và tiếp nhận SV

SV 96

Ngay từ khi ra đời, chương trình SV, đặc biệt là SV 96 đã thực sự gây một tiếng vang lớn, là một sân chơi thế hiện trí tuệ và sự thông minh, sáng tạo cho những sinh viên tài năng. Đó cũng là lần đầu tiên, khán giả truyền hình nhận diện được sinh viên Việt Nam đang như thế nào, khi trước đó, họ chưa biết hết khả năng cũng như các mặt tích cực của sinh viên.[5] Dù hoàn cảnh của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng phong trào SV 96 đã lan tỏa mạnh mẽ và nhận được nhiều sự ủng hộ của sinh viên.[6]

"Mỗi một cuộc SV chỉ phát khoảng vài nghìn vé nhưng thực tế lượng người đến xem lúc nào cũng 5 - 6 nghìn người, thậm chí có nơi lên đến hàng chục nghìn. Tôi còn nhớ, trận đấu SV đầu tiên được tổ chức tại nhà văn hóa Từ Liêm, toàn bộ ghế bị giẫm đạp gãy hết và lần đầu tiên Đài Truyền hình Việt Nam phải đền bù hết 47 triệu đồng. Đó là một số tiền vô cùng lớn lúc bấy giờ".

— Lại Văn Sâm, Nhà báo Lại Văn Sâm và những ký ức khó quên về SV 96

SV 96 ra đời khi khái niệm trò chơi giải trí trên truyền hình còn rất xa lạ với khán giả Việt Nam. Từ những bước thử nghiệm ban đầu, SV 96 đã dần thành công khi liên kết được các sinh viên với nhau qua những trò chơi, đố vui kiến thức đầy tính trí tuệ và tạo được hình ảnh sinh viên năng động, thông thái trong mắt xã hội.

Những người hâm mộ cũng đều ấn tượng với hình ảnh nhà báo Lại Văn Sâm trong vai trò là người dẫn chương trình. Qua 26 cuộc thi SV 96 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Nam - Đà Nẵng, uy tín của ông ngày càng có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Nhưng thành công vang dội nhất phải kể đến trận Chung kết giữa bốn đội: Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thủy lợi Hà Nội, Đại học Dân lập Thăng Long và Đại học Đà Nẵng, trận đấu được hàng vạn sinh viên và hàng triệu người mong đợi. Tối ngày 29 tháng 12 năm 1996, hàng chục ngàn sinh viên làm tắc nghẽn các con phố bao quanh Nhà thi đấu Đại học Bách Khoa Hà Nội. Do nhà thi đấu chỉ chứa được tối đa 1500 người, nên phần lớn các cổ động viên phải xem chung kết qua màn hình TV 300 inch đặt bên Sân vận động Hàng Đẫy. Trận Chung kết SV 96 được truyền hình trực tiếp trong vòng 4 tiếng đồng hồ (bắt đầu từ 20:00) tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, phát sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam qua kênh VTV3, kéo theo sự vào cuộc của các nhà tài trợ. Nếu Công ty Nước giải khát Quốc tế IBC hiện diện bằng những lon Pepsi xanh thì Công ty điện thoại - điện tín Nhật Bản NTT cung cấp thêm ba số điện thoại di động để khán giả gọi đến cuộc thi. Cả ba số đường dây nóng này lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải bởi vô số lời chúc mừng, ý kiến và lời hứa trao giải thưởng của khán giả truyền hình. Thậm chí những người có số điện thoại gần giống cũng liên tục bị những người hâm mộ từ Thành phố Hồ Chí Minh gọi nhầm.

Từ sau thành công của SV 96 và Trò chơi liên tỉnh, VTV3 cũng bắt đầu cho ra mắt hàng loạt chương trình mới, phong phú và đa dạng hơn như Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, Bảy sắc cầu vồng, Những người bạn ngộ nghĩnh, Từ ánh mắt đến trái tim...

SV 2000

So với SV 96, tính hấp dẫn của SV 2000 có phần giảm đi, đó là ý kiến của đa số khán giả. Bên cạnh đó, lượng khán giả đến với SV 2000 còn ít hơn so với 4 năm trước. Chính những người tổ chức chương trình cũng đã tiên liệu được điều này. Nhà báo Lại Văn Sâm nói trong buổi họp báo trước khi SV 2000 bắt đầu: khán giả không nên chờ đợi, kỳ vọng những gì đột biến hoặc khác lạ so với SV 96. Bởi nếu SV khác lạ hoàn toàn thì lúc ấy không còn là SV nữa.

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do SV 2000 bị khống chế nhiều về thời lượng. Năm 1996, khi VTV3 không có nhiều chương trình, SV được phát sòng trong gần 3 tiếng, nhưng 4 năm sau, khi trên sóng đã có nhiều chương trình mới mẻ hơn cho khán giả lựa chọn, dù vẫn làm theo mô-típ SV 96, đến khi dựng chương trình phải cắt bỏ nhiều phân đoạn vì chỉ có 60 phút phát sóng. Hơn nữa, lỗi một phần nằm ở những người làm chương trình khi chưa chuyển tải hết được không khí của SV. Khán giả xem truyền hình cho rằng, việc sinh viên dám nói đùa, nói tếu những mặt tiêu cực trong xã hội trên sân khấu đã không còn là điều gì mới mẻ nữa.[7]

Còn ở trận Chung kết toàn quốc đêm 30 tháng 12, theo đánh giá chung của khán giả, ở các phần thi Góc nhìn và Sinh viên mơ ước, các đội chưa thể hiện sự nhạy bén và hài hước của sinh viên.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: SV http://sinhvien2012.com/lich-su-sv-2012.html http://tamdiem.com.vn/san-pham/sv-2012.html http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://css.vnu.edu.vn/index.php?option=com_content... http://www.eva.vn/lang-sao/tiet-lo-ban-giam-khao-s... http://www.thegioidienanh.vn/index.php?option=com_... http://www.vietnamplus.vn/Home/SV-danh-cho-nhung-n... http://vtv.vn/Article/Get/SV-2012---Su-tro-lai-cua... http://vtv.vn/Article/Get/Trung-Kien---MC-cua-SV-2... https://vnexpress.net/sv-2000-dai-hoc-ngoai-thuong...